TIN TỨC Y TẾ

Hưởng ứng ngày Thế giới phòng chống lao 24/3: “Lãnh đạo cam kết hành động vì một Việt Nam không còn bệnh lao
[ Cập nhật vào ngày (27/03/2018) ]

Tổ chức Y tế thế giới (WHO) chọn ngày 24/3 hàng năm là ngày Thế giới phòng chống lao nhằm nâng cao nhận thức về dịch bệnh lao toàn cầu và nỗ lực loại trừ bệnh lao.


Bác sĩ hướng dẫn sử dụng thuốc cho bệnh nhân lao đang điều trị tại Bệnh viện Lao và Bệnh phổi thành phố Cần Thơ.

Bác sĩ hướng dẫn sử dụng thuốc cho bệnh nhân lao đang điều trị tại Bệnh viện Lao và Bệnh phổi thành phố Cần Thơ.

 

Tổ chức Y tế thế giới (WHO) chọn ngày 24/3 hàng năm là ngày Thế giới phòng chống lao nhằm nâng cao nhận thức về dịch bệnh lao toàn cầu và nỗ lực loại trừ bệnh lao.

Để hưởng ứng sự kiện này, theo hướng dẫn của Bệnh viện Phổi Trung ương, Bệnh viện Lao và Bệnh phổi TP Cần Thơ đã lập kế hoạch đề nghị các đơn vị trong ngành y tế tuyến quận/huyện, xã/phường tích cực tăng cường công tác tuyên truyền bằng nhiều hình thức thông qua khẩu hiệu, áp phích, tờ rơi, nói chuyện chuyên đề, phối hợp với báo đài, chính quyền và các ban ngành, đoàn thể trong tuyên truyền vận động cộng đồng tham gia phòng chống bệnh lao.

Ngày Thế giới phòng chống lao 24/3 và Tháng hành động Quốc gia phòng chống lao năm 2018 có khẩu hiệu “Lãnh đạo cam kết hành động vì một Việt Nam không còn bệnh lao”. Do đó, nhiều hoạt động truyền thông cũng hướng đến mục tiêu kêu gọi tăng cường cam kết chính trị và đầu tư nguồn lực của các cấp chính quyền cho công tác chống lao; huy động hệ thống y tế công lập, y tế tư, các ban ngành đoàn thể, các tổ chức xã hội, người bệnh lao và cộng đồng tham gia công tác chống lao. Hoạt động truyền thông nhân ngày Thế giới phòng chống lao 24/3 cũng là hoạt động quan trọng giúp nâng cao kiến thức của người dân về bệnh lao và công tác phòng chống lao, giảm mặc cảm, kỳ thị đối với bệnh lao; giúp người dân tiếp cận sử dụng tốt nhất dịch vụ phát hiện, chẩn đoán, điều trị và dự phòng bệnh lao, lao/HIV, lao kháng thuốc và lao trẻ em…

Theo Bệnh viện Phổi Trung ương, dịch tễ lao ở Việt Nam còn cao, xếp thứ 16 trong 30 nước có gánh nặng bệnh lao kháng đa thuốc cao nhất trên toàn cầu. Tuy nhiên, với 20% bệnh nhân mắc lao trong cộng đồng chưa được phát hiện, đây là nguồn lây nhiễm nguy hiểm cho cộng đồng.

Tại TP Cần Thơ, theo thống kê của Bệnh viện Lao và Bệnh phổi thành phố, hàng năm có khoảng trên 1.000 trường hợp lao phổi AFB (+) mới phát hiện; riêng năm 2017, có 1.417 trường hợp lao phổi AFB (+) phát hiện mới và đưa vào thu dung quản lý điều trị trên 1.300 trường hợp.

Chương trình chống lao quốc gia đã mở rộng diện tầm soát quản lý lao kháng thuốc từ 51 lên 63 tỉnh, thành phố trong cả nước và đặt mục tiêu giảm 30% tỷ lệ hiện mắc và giảm 40% tỷ lệ tử vong do bệnh lao trong vòng 5 năm từ 2015-2020. Chương trình Phòng chống lao quốc gia đã áp dụng khuyến cáo của WHO trong việc sử dụng các test chẩn đoán mới như Gene Xpert, Hain test trong phát hiện sớm bệnh lao và cắt đứt nguồn lây.

Năm 2018, Chương trình chống lao quốc gia sẽ mở rộng sàng lọc các nhóm đối tượng nghi kháng thuốc và 100% nhóm bệnh nhân lao phổi AFB (+) mới. Để thực hiện được yêu cầu này, Chương trình chống lao sẽ tăng số máy Gene Xpert, đảm bảo cung ứng cartridge, flalcon đầy đủ, vận dụng tối ưu hệ thống chuyển mẫu qua bưu điện; xây dựng mô hình quản lý bệnh nhân lao kháng thuốc một cách linh hoạt, tiếp cận và lấy người bệnh làm trung tâm để giảm thiểu tỷ lệ bỏ trị; mở rộng triển khai phác đồ ngắn hạn điều trị lao đa kháng thuốc trên phạm vi toàn quốc; tăng cường phát hiện và quản lý bệnh nhân tiền kháng, siêu kháng; cung ứng đủ thuốc, hóa chất, vật tư, trang thiết bị phục vụ chẩn đoán, xét nghiệm theo dõi điều trị đảm bảo bệnh nhân được thu nhận điều trị kịp thời ngay sau khi phát hiện và đạt tỷ lệ điều trị thành công cao (90%)…

Việt Nam cũng đặt mục tiêu đến năm 2030 sẽ giảm 80% số bệnh nhân lao, giảm 90% số người tử vong do lao. Để đạt mục tiêu đề ra, cần phải đẩy mạnh hoạt động tại y tế cơ sở nhiều hơn nữa, muốn dự phòng và điều trị lao tốt phải có y tế cơ sở đủ mạnh để phát hiện lao sớm. Bên cạnh đó, tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước, các đoàn thể chính trị - xã hội và cộng đồng trong bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe người dân thông qua đẩy mạnh công tác tuyên truyền, bảo đảm nguồn lực và tiếp cận thực hành lồng ghép dịch vụ phòng chống lao với dịch vụ phòng chống các bệnh không lây nhiễm.




Bài, ảnh: Thúy Duy Theo Sở Y Tế Cần Thơ

  In bài viết



User Online

Số người online: 44
Số người online Online Now:

tin nổi bật


Tìm kiếm tin tức

Đơn vị trực thuộc


SƠ đồ đường đi