TIN TỨC BỆNH VIỆN

Hướng đến mục tiêu thanh toán bệnh lao
[ Cập nhật vào ngày (13/05/2019) ]

Chương trình phòng, chống lao của TP Cần Thơ đang nỗ lực tìm kiếm, điều trị cho tất cả bệnh nhân lao, nhằm hướng tới mục tiêu thanh toán bệnh lao vào năm 2030. Nhân ngày Thế giới phòng, chống lao (24-3), phóng viên Báo Cần Thơ đã trao đổi với bác sĩ Trần Mạnh Hồng, Giám đốc Bệnh viện Lao và Bệnh phổi (BVL&BP)TP Cần Thơ, Phó Trưởng Ban điều hành chương trình chống lao quốc gia.


 

Bác sĩ Trần Mạnh Hồng, Giám đốc Bệnh viện Lao và Bệnh phổi TP Cần Thơ.

 

Chương trình phòng, chống lao của TP Cần Thơ đang nỗ lực tìm kiếm, điều trị cho tất cả bệnh nhân lao, nhằm hướng tới mục tiêu thanh toán bệnh lao vào năm 2030. Nhân ngày Thế giới phòng, chống lao (24-3), phóng viên Báo Cần Thơ đã trao đổi với bác sĩ Trần Mạnh Hồng, Giám đốc Bệnh viện Lao và Bệnh phổi (BVL&BP)TP Cần Thơ, Phó Trưởng Ban điều hành chương trình chống lao quốc gia.

Xin bác sĩ cho biết cụ thể về những triệu chứng nghi mắc bệnh lao?

- Khi sống cùng người đã mắc lao, có các biểu hiện như sốt, ho, khó thở, khạc đàm mà điều trị kháng sinh 2 tuần không hết thì nên đi khám, tầm soát lao. Ở tuyến quận, huyện, người dân có thể đến Tổ Lao, thuộc Khoa Kiểm soát dịch bệnh, Trung tâm Y tế /Trung tâm Y tế dự phòng để chụp phim phổi. Nếu có tổn thương, tiếp tục xét nghiệm đàm, sau 24 giờ là có kết quả. Ở tuyến thành phố, bệnh nhân được soi đàm trực tiếp, cấy vi khuẩn. Sau 2 tuần xác định có mắc lao hay không, độ nhạy và đặc hiệu khá cao.

Ngoài ra, còn một xét nghiệm mới, hiện đại mà trên thế giới đang áp dụng là xét nghiệm sinh học phân tử, định gen, ADN vi khuẩn lao. Độ nhạy và độ đặc hiệu rất cao. Từ đó chẩn đoán bệnh lao và có kháng thuốc (thuốc điều trị lao) hay không, sau 2 giờ là có kết quả.

Thưa bác sĩ, người mắc lao được điều trị ở đâu và chi phí ra sao ?

- Khi mắc lao, nếu là lao thường, thuốc điều trị hoàn toàn miễn phí. Bệnh nhân chỉ chi trả xét nghiệm chẩn đoán lao (nếu có bảo hiểm y tế đúng tuyến thì chỉ cùng chi trả từ 5% đến 30%). Bệnh nhân được điều trị tại trạm y tế và chỉ uống thuốc trong vòng 6 tháng (trước đây tiêm trong 2 tháng). Thuốc do Quỹ toàn cầu hỗ trợ. Hằng tháng, các cán bộ chương trình lao sẽ đến nhà bệnh nhân xem dinh dưỡng, cách dùng thuốc… Sau khi điều trị 2 tháng (tấn công) và sau 6 tháng điều trị, bệnh nhân xét nghiệm đàm tại quận, huyện để đánh giá hiệu quả điều trị. Nếu nghi ngờ, tuyến quận, huyện chuyển mẫu lên tuyến trên.

Với bệnh nhân bị lao đa kháng thuốc, cán bộ quận, huyện xuống nhà tư vấn (phác đồ 9 tháng hoặc 20 tháng), bệnh nhân đồng ý điều trị làm cam kết. Sau đó, bệnh nhân nhập viện, BV sẽ kiểm tra, tầm soát tất cả các bệnh và điều trị 2 tuần, xem có tác dụng phụ của thuốc hay không. Sau đó, bác sĩ “thiết kế” một phác đồ điều trị cho bệnh nhân để tiếp tục điều trị tại Trung tâm Y tế quận, huyện. Hằng tháng, bệnh nhân lên tái khám tại BVL&BP TP Cần Thơ. Bệnh nhân được miễn phí hoàn toàn chi phí điều trị từ thuốc, xét nghiệm, cận lâm sàng, giường bệnh và được hỗ trợ tiền ăn, tiền đi lại tái khám. 

Cán bộ y tế phường An Cư, quận Ninh Kiều, cấp thuốc và tư vấn bệnh nhân lao dùng thuốc.

Muốn thanh toán bệnh lao, cần phát hiện và điều trị sớm cho người bệnh. Vấn đề này được thực hiện thế nào?

- Hằng năm, BV đều cập nhật kiến thức cho cán bộ tuyến xã, phường, thị trấn và quận, huyện các phác đồ mới, xu thế điều trị mới... Mỗi tháng, tất cả các cán bộ làm xét nghiệm tuyến quận, huyện mang lam lên BV để kiểm phẩm xem kết quả xét nghiệm cho bệnh nhân có bị sai không. Ngoài ra, phòng chỉ đạo tuyến và các khoa, phòng thường xuyên giám sát công tác điều trị ở tuyến dưới.

Trước đây, bệnh nhân có triệu chứng mới đến BV, tức là phát hiện thụ động. Nhưng hiện nay, cán bộ y tế phải tuyên truyền, tư vấn cho cộng đồng chủ động phát hiện. Nếu có tiếp xúc gần với bệnh nhân đã và đang mắc lao thì nên tầm soát bằng chụp phim phổi. Nếu có tổn thương làm xét nghiệm đàm, gene X-pert để chẩn đoán.

Năm 2018, cùng với 3 tỉnh, thành khác, TP Cần Thơ triển khai dự án ZERO TB – thành phố không còn bệnh lao. Dự án triển khai ở quận Ninh Kiều và Thốt Nốt, tầm soát người sống cùng bệnh nhân lao, tiếp xúc gần với bệnh nhân và bệnh nhân lao đã điều trị lao trong vòng 3 năm. Trong 6 tháng cuối năm 2018, đã phát hiện 30 bệnh nhân lao. Năm 2019, dự kiến sẽ mở rộng thêm 2 quận, huyện. Dự án cũng trang bị X-Quang di động để tầm soát bệnh lao ở cộng đồng.

Toàn thành phố có 1,3% bệnh nhân bỏ điều trị (khoảng 15 ca/năm). Trong quá trình điều trị, nếu bệnh nhân bỏ điều trị, cán bộ tuyến quận, huyện, xã, phường đến nhà tìm hiểu. Nếu bệnh nhân khó khăn về dinh dưỡng, chi phí đi lại hay không có bảo hiểm y tế… thì BV tìm nguồn hỗ trợ cho bệnh nhân. Nguyên tắc điều trị là không một bệnh nhân nào bị bỏ lại phía sau.

Chương trình chống lao quốc gia giao cho Cần Thơ vai trò chỉ đạo, giám sát, hỗ trợ 13 tỉnh, thành trong vùng ĐBSCL, BV đã thực hiện như thế nào?

- BV giám sát Chương trình chống lao tại 13 tỉnh, thành. Về chuyên môn, BV đang điều trị lao kháng thuốc cho 3 tỉnh: An Giang, Bạc Liêu và Cà Mau (chưa có BV Lao). Đồng thời, điều trị bệnh nhân lao tiền siêu kháng thuốc và siêu kháng thuốc cho 13 tỉnh, thành trong vùng.

Xin cảm ơn bác sĩ!

 




H.HOA (thực hiện) Theo baocantho.com.vn

  In bài viết



User Online

Số người online: 129
Số người online Online Now:

Hiển thị tin nổi bật


Đơn vị trực thuộc

SƠ đồ đường đi