TIN TỨC Y TẾ

Y tế công và tư cùng chống lao kháng thuốc
[ Cập nhật vào ngày (22/07/2019) ]

Việt Nam đứng thứ 16/30 quốc gia trên thế giới có bệnh lao cao, trong đó có lao kháng thuốc. Mặc dù Chương trình chống lao (CTCL) quốc gia tăng cường trang thiết bị, thuốc mới, miễn phí xét nghiệm và thuốc điều trị... nhưng vẫn chưa tầm soát hết các đối tượng nghi lao kháng thuốc, tỷ lệ bỏ điều trị còn cao


Việt Nam đứng thứ 16/30 quốc gia trên thế giới có bệnh lao cao, trong đó có lao kháng thuốc. Mặc dù Chương trình chống lao (CTCL) quốc gia tăng cường trang thiết bị, thuốc mới, miễn phí xét nghiệm và thuốc điều trị... nhưng vẫn chưa tầm soát hết các đối tượng nghi lao kháng thuốc, tỷ lệ bỏ điều trị còn cao. Từ thực tế đó, CTCL quốc gia triển khai PPM (phối hợp giữa các cơ sở y tế công, tư với CTCL) nhằm huy động sự tham gia của hệ thống này vào công cuộc chống lao.

Chưa tầm soát hết...

Hiện CTCL quốc gia triển khai 157 máy Xpert để chẩn đoán lao kháng thuốc. Lao siêu kháng thuốc chẩn đoán bằng kháng sinh đồ hàng II (hain test) có 3 nơi làm được: Bệnh viện (BV) Lao và Bệnh phổi TP Cần Thơ, BV Phạm Ngọc Thạch, BV Phổi Trung ương. Các thuốc điều trị lao mới của thế giới đều đã được triển khai tại Việt Nam. Qua đó, tỷ lệ thành công điều trị lao kháng thuốc  khoảng 70%.

 Bác sĩ Huỳnh Văn Thanh, Trưởng Khoa Lao kháng thuốc khám cho bệnh nhân

 tại BV Lao và Bệnh phổi TP Cần Thơ.

Theo ước tính, bệnh nhân mới mắc lao lần đầu bị chủng lao kháng thuốc ở Việt Nam chiếm khoảng 4,1% bệnh nhân lao, tức khoảng 5.000 bệnh nhân; trong đó, siêu kháng thuốc chiếm 5,6%. Tuy nhiên, năm 2018, mới phát hiện 3.270 bệnh nhân lao kháng thuốc, trong đó 160 bệnh nhân siêu kháng thuốc. Như vậy, chưa tầm soát hết bệnh nhân. Ngoài ra, còn 160 bệnh nhân chưa điều trị hoặc điều trị ở phòng mạch tư chưa được báo cáo. Theo điều tra độc lập của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) năm  2014, về quản lý kháng thuốc trong y tế tư tại Việt Nam, Việt Nam mới phát hiện 56% bệnh nhân lao kháng thuốc, còn lại chưa được phát hiện hoặc chưa được báo cáo. Trên 12% người nghi lao đến khám lần đầu tại phòng mạch tư.ỳnh Văn Thanh, Trưởng Khoa Lao kháng thuốc khám cho bệnh nhân tại BV Lao và Bệnh phổi TP Cần Thơ.

Qua điều tra ở 2 BV có điều trị lao tư (bệnh nhân tự mua thuốc), tỷ lệ điều trị khỏi chỉ có 45,7%, bỏ điều trị lên đến 22,4%. Phác đồ không thống nhất (theo khả năng chi trả của bệnh nhân), khác với hướng dẫn quốc gia. Bệnh nhân bỏ điều trị vì không có khả năng chi trả (bệnh nhân phải chi trả khoảng 100 triệu đồng cho thuốc lao). Trong khi đó, nếu tham gia điều trị ở CTCL sẽ được miễn phí khoản này, chưa kể một số xét nghiệm cũng được miễn phí.

Hiện nay còn 14 tỉnh, thành chưa có BV Lao và Bệnh phổi; một số tỉnh không triển khai điều trị lao kháng thuốc nội trú nên bệnh nhân phải đi xa điều trị. Riêng rại khu vực ĐBSCL, bệnh nhân lao kháng thuốc ở các tỉnh như Bạc Liêu, Cà Mau và An Giang phải lên BV Lao và Bệnh phổi TP Cần Thơ điều trị nội trú, rất bất tiện cho bệnh nhân.

Hỗ trợ cơ sở y tế cùng chống lao

Vừa qua, tại TP Cần Thơ, BV Phổi Trung ương phối hợp BV Lao và Bệnh phổi TP Cần Thơ tổ chức hội thảo tăng cường phối hợp y tế công - tư trong quản lý bệnh lao kháng thuốc. Hội thảo nhằm vận động các cơ sở y tế công, tư trên địa bàn thành phố tham gia hoạt động quản lý, điều trị bệnh nhân lao kháng thuốc, giảm nguồn lây cho cộng đồng. Đồng thời vận động các tỉnh như Cà Mau, Bạc Liêu và An Giang triển khai điều trị lao kháng thuốc. Cả nước có 22 BV ngoài CTCL tham gia mô hình nhưng chủ yếu ở Hà Nội, Huế và TP Hồ Chí Minh.

Thạc sĩ Trần Văn Thiều, cán bộ đơn vị kháng thuốc, CTCL quốc gia cho biết, tùy vào khả năng của các cơ sở y tế có thể triển khai 1 trong 3 mô hình: Mô hình 1, tầm soát người nghi lao kháng thuốc, chuyển CTCL; mô hình 2, tầm soát và xét nghiệm, khi kết quả dương tính, chuyển người bệnh đến CTCL; mô hình 3, điều trị theo hướng dẫn của CTCL.

Theo Thạc sĩ Trần Văn Thiều, Dự án quỹ toàn cầu hỗ trợ chi phí chuyển bệnh nhân (50.000 đồng/người), vận chuyển mẫu bệnh phẩm (100.000 đồng/mẫu) và báo cáo hàng tháng (100.000 đồng) cho các cơ sở y tế tham gia mô hình. Chương trình khuyến khích các BV đa khoa các tỉnh chưa có BV chuyên  khoa lao tham gia điều trị bệnh lao, lao kháng thuốc. CTCL hỗ trợ cơ sở vật chất và trang thiết bị (máy xpert), đào tạo nhân  lực... CTCL hiện đã lắp đặt một số máy Xpert cho các cơ sở y tế  ngoài CTCL.

Ngành y tế tỉnh Cà Mau cho biết, Cà Mau chưa triển khai điều trị lao kháng thuốc do nhân lực BV Đa khoa tỉnh biến động. Dự kiến ngày 1-1-2020, BV Lao và Bệnh phổi tỉnh đi vào hoạt động, nhưng có thể cuối năm 2020 mới điều trị lao kháng thuốc. Còn tỉnh An Giang, nơi có số ca lao và lao kháng thuốc cao nhất ở khu vực ĐBSCL, từ năm 2013 đến nay, quản lý, điều trị 500 bệnh nhân lao kháng thuốc, đã xuất hiện tiền và siêu kháng thuốc, tỉnh không có BV Lao và Bệnh phổi.

Ông Phạm Thanh Tâm, Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh An Giang cho biết, BV Đa khoa tỉnh đồng ý điều trị lao kháng thuốc, song cơ sở vật chất không có thiết kế điều trị cho lao kháng thuốc, kiến thức chưa được trang bị, thiết bị (cấy vi khuẩn lao) chưa có. Đề nghị CTCL khảo sát hỗ trợ BV Đa khoa tỉnh triển khai điều trị lao kháng thuốc. Đồng thời cần đánh giá 6 năm triển khai Thông tư 02 (quy định về việc phối hợp giữa các cơ sở y tế trong quản lý bệnh lao) để rút kinh nghiệm cho thời gian tới, bởi nếu có y tế tư nhân cùng tham gia thì CTCL sẽ rất mạnh.

Ở Cần Thơ, Phó Giám đốc BV Nhi đồng TP Cần Thơ Nguyễn Ngọc Việt Nga, đặt vấn đề: BV hiện không có máy Xpert, thuốc điều trị lao nên khi có bệnh nhi nghi lao thì lấy mẫu, chuyển BV Lao và Bệnh phổi TP Cần Thơ xét nghiệm và nhận thuốc điều trị rất bất tiện. BV Lao và Bệnh phổi xem xét khảo sát đặt máy Xpert tại BV Nhi đồng TP Cần Thơ.  BV Lao và Bệnh phổi TP Cần Thơ không có khoa nhi, không nhận điều trị lao nhi nặng. Vậy bệnh nhi bị lao nặng, ai điều trị?

Trước thực tế này, bác sĩ Trần Mạnh Hồng, Giám đốc BV Lao và Bệnh phổi TP Cần Thơ đề nghị các BV, trung tâm có quy chế phối hợp thực hiện CTCL. BV Lao và Bệnh phổi TP Cần Thơ sẽ hỗ trợ BV Đa khoa tỉnh An Giang triển khai điều trị lao kháng thuốc. Với BV Nhi đồng TP Cần Thơ, BV sẽ hỗ trợ triển khai soi trực tiếp tìm vi khuẩn lao và cấp cơ số thuốc lao điều trị. “Chúng tôi không có khoa lao nhi nên khi bệnh nhi lao nặng, BV Nhi đồng TP Cần Thơ điều trị. Khi tình trạng bệnh nhi ổn, bé lớn (trên 5 tuổi) có thể chuyển về cho chúng tôi điều trị”- bác sĩ Trần Mạnh Hồng nói. Thạc sĩ Trần Văn Thiều cũng đề nghị tỉnh An Giang có công văn đề nghị CTCL hỗ trợ kỹ thuật, cơ sở vật chất để triển khai điều trị lao kháng thuốc. Với BV Nhi đồng TP Cần Thơ, sắp tới, CTCL cố gắng trang bị máy Xpert để chẩn đoán, điều trị lao nhi.





Bài, ảnh: H.Hoa Theo baocantho.com.vn

  In bài viết



User Online

Số người online: 59
Số người online Online Now:

tin nổi bật


Tìm kiếm tin tức

Đơn vị trực thuộc


SƠ đồ đường đi