TIN TỨC Y TẾ

Quỹ toàn cầu chung tay cùng Việt Nam chấm dứt bệnh lao
[ Cập nhật vào ngày (27/08/2019) ]

Nhiều năm nay, Quỹ toàn cầu chung tay cùng Việt Nam nói chung và TP Cần Thơ nói riêng phòng, chống bệnh lao và tiến tới chấm dứt vào năm 2030…


Hỗ trợ trực tiếp bệnh nhân

          Khoa Lao đa kháng thuốc, Bệnh viện Lao và Bệnh phổi (BV L&BP) TP Cần Thơ chịu trách nhiệm việc điều trị lao kháng đa thuốc, lao tiền siêu kháng thuốc và siêu kháng thuốc cho TP Cần Thơ và các tỉnh trong khu vực Tây Nam Bộ. Đây là những bệnh nhân lao nặng và hầu hết có hoàn cảnh kinh tế khó khăn.

Bệnh nhân Nguyễn Hữu Hoàng, ở huyện Chợ Mới, tỉnh An Giang, đang điều trị ở đây chia sẻ: “Cách đây 3 năm, tôi bị bệnh lao và được điều trị, xét nghiệm hoàn toàn miễn phí nên có điều kiện điều trị khỏi bệnh. Sau 3 năm, bệnh tái phát, tiến triển thành lao kháng đa thuốc, trung tâm y tế huyện chuyển lên BV L&BP TP Cần Thơ điều trị. Tôi nghe nói lao kháng đa thuốc phải điều trị lâu dài, cũng lo tốn kém nhiều chi phí nhưng nghe cán bộ y tế tư vấn điều trị lao miễn phí, còn được hỗ trợ tiền ăn, tiền giường, đi lại nên cũng yên tâm điều trị. Đến nay, sau 10 ngày điều trị, bệnh tôi bớt nhiều, ăn, ngủ được”.

Nằm cùng phòng bệnh với ông Hoàng là anh Nguyễn Văn Linh, cũng ở huyện Chợ Mới, tỉnh An Giang, anh bị ho, sụt cân, mệt mỏi đã 5-6 tháng nay nhưng đều tự mua thuốc tây uống. Đến lúc mệt nhiều mới đến Trung tâm y tế huyện và được chuyển về BV L&BP TP Cần Thơ điều trị. Anh Nguyễn Văn Linh cho biết: “Sau 10 ngày điều trị, bệnh tôi bớt nhiều, biết thế này, tôi vô bệnh viện điều trị sớm hơn vừa mau khỏe, vừa đỡ tốn kém”. Sống 1 mình bằng nghề vác mướn, nếu không có hỗ trợ từ phía dự án và quỹ bảo hiểm y tế, thì anh Linh và nhiều bệnh nhân lao khác khó mà theo đuổi việc điều trị lâu dài.

Bệnh lao điều trị 6 tháng, riêng lao đa kháng thuốc có 2 phác đồ 9 tháng và 18 tháng. Nếu không có dự án và bảo hiểm y tế hỗ trợ, ước tính bệnh nhân lao thường phải chi trả hàng chục triệu đồng, bệnh nhân lao đa kháng thuốc chi trả khoảng 10.000 USD (khoảng 250 triệu đồng), riêng bệnh nhân tiền siêu kháng thuốc và siêu kháng thuốc phải chi trả 400-500 triệu đồng cho chi phí điều trị.

Bác sĩ Huỳnh Văn Thanh, Trưởng Khoa Lao đa kháng thuốc, BV L&BP TP Cần Thơ cho biết: “Nhờ có sự hỗ trợ từ các tổ chức quốc tế, các dự án, trong đó “chủ công” là quỹ toàn cầu mà bệnh nhân lao kháng đa thuốc được điều trị miễn phí thuốc lao, thuốc điều trị tác dụng phụ, các xét nghiệm. Với những bệnh mãn tính, bệnh kèm theo, bảo hiểm y tế chi trả 80%-100% tùy theo đối tượng, phần còn lại, dự án quỹ toàn cầu cũng hỗ trợ. Ngoài ra, dự án hỗ trợ tiền ăn (100.000 đồng/ngày nằm viện), tiền giường (100.000 đồng/giường bệnh/ngày nằm viện), mức  hỗ trợ trong vòng 15 ngày. Dự án cũng hỗ trợ bệnh nhân đi lại tái khám ở xa  là 300.000 đồng/lượt khám, ở gần 150.000 đồng/ lượt khám. Cũng nhờ mức hỗ trợ này mà bệnh nhân lao kháng đa thuốc yên tâm điều trị, tuân thủ lịch tái  khám và tránh lây lan bệnh cho người thânm, cộng đồng”.

Bệnh lao là một trong 10 nguyên nhân gây tử vong hàng đầu trên thế giới. Khi một người mắc bệnh lao phổi ho, hắt hơi hoặc khạc nhổ, họ có thể lan truyền vi khuẩn lao. Vi khuẩn lao có thể tồn tại trong không khí đến khoảng 6 tiếng và có nguy cơ lây truyền cao. Một người mắc bệnh lao không được điều trị có thể lây truyền cho 15 người khác trong một năm. 

Trang thiết bị và thuốc mới

          Nói về hỗ trợ của các tổ chức quốc tế, các dự án đối với công cuộc phòng, chống lao, bác sĩ Trần Mạnh Hồng, Giám đốc BV L&BP TP Cần Thơ, Phó Trưởng Ban điều hành chương trình chống lao quốc gia cho biết: “Từ nhiều năm nay, các tổ chức quốc tế đã đồng hành cùng chính phủ Việt Nam nói chung và TP Cần Thơ nói riêng trong công cuộc phòng, chống lao. Với quỹ toàn cầu, hỗ trợ công tác chăm sóc và dự phòng lao, chẩn đoán và điều trị bệnh nhân đồng nhiễm lao/HIV, lao kháng đa thuốc, tiền siêu kháng thuốc và siêu kháng thuốc”.

Thống kê của Bệnh viện Phổi Trung ương, từ năm 2004-2017, quỹ toàn cầu đã hỗ trợ gần 108,2 triệu USD và từ năm 2018-2020 hỗ trợ trên 49,6 triệu USD cho Việt Nam phòng, chống lao. Việt Nam đối ứng bằng kinh phí được cấp thông qua chương trình mục tiêu y tế - dân số (286 tỷ đồng), cơ sở hạ tầng, trang thiết bị và nhân lực. Trong đó ở TP Cần Thơ, quỹ toàn cầu đã hỗ trợ thuốc điều trị lao hàng 1 (lao thường), hàng II (lao kháng đa thuốc, lao tiền siêu kháng thuốc và siêu kháng thuốc), máy gene xpert, sinh phẩm, vật tư tiêu hao, sửa chữa (nâng cấp) cơ sở vật chất, hỗ trợ bệnh nhân...  Riêng trong năm 2018 và 2019, đã hỗ trợ cho TP Cần Thơ 7,4 tỷ đồng (chưa tính kinh phí mua sắm trang thiết bị, thuốc điều trị lao).

Bên cạnh đó, quỹ toàn cầu cũng hỗ trợ quản lý bệnh lao trong nhóm di dân tiểu vùng sông Mekong với kinh phí 1,1 triệu USD cho giai đoạn 2019-2021. Ngoài quỹ toàn cầu, các tổ chức quốc tế khác như Hội Hoàng gia Hà Lan, Tổ chức sáng kiến Tiếp cận y tế Clinton (CHAI), Tổ chức y tế thế giới (WHO)... cũng hỗ trợ công cuộc phòng, chống lao ở Việt Nam.

          Với sự hỗ trợ của Quỹ toàn cầu, các kỹ thuật xét nghiệm, chẩn đoán mới, thuốc mới trên thế giới đã được áp dụng tại Việt Nam và TP Cần Thơ. Bác sĩ Trần Mạnh Hồng cho biết thêm: “Trước đây, chẩn đoán lao bằng soi đàm trực tiếp, nếu lượng vi khuẩn  lao ít thì có nguy cơ “bỏ sót” bệnh nhân. Ngày nay, với sự tiến bộ của chẩn đoán, với máy GeneXpert, chỉ vài con vi khuẩn cũng chẩn đoán lao được, chỉ trong vòng hai giờ là có kết quả, độ nhạy và độ đặc hiệu rất cao. Kết quả Gene xpert cho biết mẫu bệnh phẩm có vi khuẩn lao hay không, có nhiều hay ít vi khuẩn và vi khuẩn có kháng thuốc  (kháng Rifamycin) hay không để có hướng điều trị phù hợp. Ở TP Cần Thơ, hiện có 2 máy gene xpert đặt ở BV L&BP TP Cần Thơ , 1 máy đặt tại Trung tâm Y tế quận Thốt Nốt. Với bệnh nhân lao mới, bệnh viện cũng làm ngay xét nghiệm gene xpert (miễn phí) để xem bệnh nhân có kháng thuốc lao không  để điều trị đúng và trúng”.

Bên cạnh đó, các thuốc mới Bedaquline, Delamanid, Rifampentine… được đưa vào điều trị ở Việt Nam. Về thuốc, TP Cần Thơ cũng là 1 trong 3 địa phương của cả nước triển khai điều trị lao kháng đa thuốc, tiền siêu kháng thuốc và siêu kháng thuốc bằng các loại thuốc mới này. Sắp tới, dự án quỹ toàn cầu cũng trang bị cho khu vực ĐBSCL xe X-quang di động để tầm soát bệnh nhân lao tại cộng đồng. Đối tượng tầm soát là những bệnh nhân lao cũ, người có tiếp xúc với bệnh nhân lao và người có triệu chứng nghi lao (ho, khạc có đàm, sụt cân, đau tức ngực, mệt mỏi...).

Việt Nam nói chung và TP Cần Thơ nói riêng còn nhận được sự hỗ trợ về kỹ thuật, kinh nghiệm, kỹ năng  từ các chuyên gia cấp cao ở các dự án. Bác sĩ Trần Mạnh Hồng, Giám đốc BV L&BP TP Cần Thơ, Phó Trưởng Ban điều hành chương trình chống lao quốc gia khẳng định:  Các hoạt động do Quỹ toàn cầu tài trợ ở TP Cần Thơ đang được thực hiện tốt, các chỉ tiêu cơ bản đều đạt. Dự án đã góp phần quan trọng vào thành công chương trình phòng, chống lao ở Cần Thơ và Việt Nam thời gian qua”.

BOX:

Năm 2017, theo xếp hạng của WHO, Việt Nam đứng hàng thứ 16/30 nước có số người bệnh lao cao nhất; 13/30 nước có gánh nặng bệnh lao kháng đa thuốc cao nhất. Trong 10 năm qua, dựa trên các nghiên cứu điều tra toàn quốc năm 2017 và các nghiên cứu phụ trợ, bệnh lao ở Việt Nam đã giảm được 31%, trung bình 3%/năm và tỷ lệ tử vong do lao giảm khoảng 4% hàng năm. Hàng năm, Việt Nam phát hiện 100.000 bệnh nhân lao mới, tỷ lệ điều trị khỏi bệnh lao là 92%, lao kháng thuốc là 75%. Việt Nam đặt ra mục tiêu chấm dứt bệnh lao vào năm 2030. Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã đồng ý thành lập Ủy ban quốc gia về chấm dứt bệnh lao.

Tại TP Cần Thơ, năm 2018, toàn thành phố tiếp nhận 2.389 bệnh nhân lao các thể. Trong đó, 1.320 bệnh nhân nguồn lây mới. Năm 2018, ở Cần Thơ, tỷ lệ điều trị khỏi lao mới phát hiện, không kháng thuốc, có bằng chứng vi khuẩn học (AFB (+)) là 95%, lao các thể là 92%, riêng lao kháng đa thuốc, tỷ lệ điều trị khỏi là 83,3% (năm 2016).




BVL&BP CT

  In bài viết



User Online

Số người online: 219
Số người online Online Now:

tin nổi bật


Tìm kiếm tin tức

Đơn vị trực thuộc


SƠ đồ đường đi