TIN TỨC Y TẾ

Hiệu quả sàng lọc lao chủ động tại cộng đồng
[ Cập nhật vào ngày (25/03/2021) ]

Năm 2020 là năm đầu tiên TP Cần Thơ tiến hành sàng lọc lao chủ động tại cộng đồng. Hoạt động này góp phần phát hiện, chẩn đoán sớm bệnh lao và lao tiềm ẩn để đưa vào quản lý, điều trị.


Cán bộ y tế tư vấn cho người dân đến buổi sàng lọc lao chủ động ở cộng đồng tại Trung tâm Y tế quận Bình Thủy.
Cán bộ y tế tư vấn cho người dân đến buổi sàng lọc lao chủ động ở cộng đồng tại Trung tâm Y tế quận Bình Thủy.

 

Năm 2020 là năm đầu tiên TP Cần Thơ tiến hành sàng lọc lao chủ động tại cộng đồng. Hoạt động này góp phần phát hiện, chẩn đoán sớm bệnh lao và lao tiềm ẩn để đưa vào quản lý, điều trị.

Sớm phát hiện bệnh

Theo Bệnh viện (BV) Lao và Bệnh phổi TP Cần Thơ, năm 2020, BV đã tổ chức, phối hợp Trung tâm Y tế 9 quận/huyện và Cơ sở Cai nghiện ma túy TP Cần Thơ tổ chức sàng lọc bệnh lao và lao tiềm ẩn tại cộng đồng cho hơn 9.600 người.

SANG LOC BENH LAO - 0002.JPG

Cán bộ y tế thực hiện chụp X-quang bằng xe X-quang kỹ thuật số lưu động.

Theo bà Lê Thị Hồng Ngọc, Phòng Kế hoạch tổng hợp, BV Lao và Bệnh phổi TP Cần Thơ, tất cả người dân đến khám sàng lọc đều được chụp X-quang, nếu có tổn thương nghi lao trên phim X-quang thì sẽ cho làm xét nghiệm Gene - Xpert để chẩn đoán, phát hiện bệnh lao, lao đa kháng thuốc. Sau khi có kết quả Gene - Xpert, BV Lao và Bệnh phổi TP Cần Thơ sẽ thông báo kết quả cho tổ lao các Trung tâm Y tế để liên hệ người bệnh điều trị bệnh lao. Với người có tiếp xúc hộ gia đình với bệnh nhân lao (trên 5 tuổi) và không có HIV sẽ chụp X-quang, khi không phát hiện dấu hiệu nghi lao trên phim chụp, người dân sẽ được thử phản ứng Mantous (lao tố). Sau khi có kết quả Mantous dương tính sẽ được tư vấn điều trị lao tiềm ẩn. Tất cả các sàng lọc, điều trị đều miễn phí. Riêng trẻ em dưới 5 tuổi sống chung nhà với bệnh nhân lao thì đã có chương trình điều trị dự phòng bệnh lao tại các trạm y tế.

Điều trị lao tiềm ẩn để thanh toán bệnh lao

Theo bác sĩ Huỳnh Văn Thanh, nguyên Trưởng Khoa Lao kháng thuốc, BV Lao và Bệnh phổi TP Cần Thơ, bệnh lao lây truyền qua đường hô hấp là chủ yếu. Khi người lành hít phải vi khuẩn lao, một số vi khuẩn bị tiêu diệt, một số gây bệnh, một số tiếp tục tồn tại nhiều năm trong cơ thể. Lao tiềm ẩn là tình trạng cơ thể người có đáp ứng miễn dịch với kháng nguyên của trực khuẩn gây bệnh lao ở người (MTB) nhưng chưa có dấu hiệu lâm sàng - cận lâm sàng nào cho thấy bệnh lao hoạt động. Người mắc lao tiềm ẩn không lây truyền vi khuẩn lao cho người khác. Ðiều trị lao tiềm ẩn có thể ngăn ngừa tới 90% nguy cơ phát triển thành bệnh lao. Trong quá trình điều trị lao tiềm ẩn, bệnh nhân cần uống đủ liệu trình và liều lượng, thời gian quy định.

SANG LOC BENH LAO - 0003.JPG

Quang cảnh buổi sàng lọc lao chủ động ở cộng đồng tại Trung tâm Y tế quận Bình Thủy.

Khoảng 1/3 dân số thế giới nhiễm lao tiềm ẩn. Trung bình khoảng 5-10% số người nhiễm lao sẽ phát triển thành bệnh lao. Ở Việt Nam, 100 người thì có 40 người nhiễm lao nhưng chỉ có 2 - 4 người trở thành bệnh nhân lao. Nguy cơ tiến triển bệnh lao tùy thuộc vào miễn dịch cơ thể. Theo bác sĩ Trần Mạnh Hồng, Giám đốc BV Lao và Bệnh phổi TP Cần Thơ, trước đây việc phát hiện bệnh lao khá thụ động, tức là khi người dân có triệu chứng, nghi ngờ bệnh lao và tìm đến cán bộ y tế mới được phát hiện. Còn hiện nay, với chương trình sàng lọc lao chủ động, cán bộ y tế mang máy móc, thiết bị tìm bệnh nhân. Sàng lọc không áp dụng soi đàm trực tiếp mà làm chiến lược 2X tức là chụp X-quang tầm soát, sau đó làm Gene Xpert để khẳng định có lao không. Lao có kháng thuốc không. BV cũng được chương trình chống lao quốc gia cấp xe X-quang kỹ thuật số lưu động.

Theo các bác sĩ, năm qua, tuy số lượng người dân tầm soát chưa nhiều nhưng số lượng phát hiện ra bệnh lao rất lớn. Sàng lọc lao chủ động giúp phát hiện ca lao, lao kháng thuốc, lao tiềm ẩn và lao không có bằng chứng vi khuẩn học. Việc điều trị sớm, tránh lây lan trong cộng đồng, ngăn ngừa bệnh tiến triển nặng song song với điều trị lao tiềm ẩn, ngăn ngừa lao hoạt động, góp phần thanh toán bệnh lao vào năm 2030.

Bác sĩ Trần Mạnh Hồng cũng cho lời khuyên: Bệnh nhân lao cần tự tin hơn, hiện nay bệnh lao đã có thuốc điều trị, hoàn toàn miễn phí, trong quá trình uống thuốc sẽ có nhân viên y tế theo dõi sức khỏe hàng tháng và tỷ lệ điều trị thành công rất cao (trên 95%). Thường chỉ sau 3 tuần điều trị, bệnh nhân lao không còn khả năng lây bệnh cho người khác. Với người nhà bệnh nhân, cần đồng cảm, chia sẻ và động viên bệnh nhân lao uống thuốc đúng liều, đúng giờ, không nên kỳ thị. Đặc biệt, không nên điều trị ở các phòng khám tư vì chi phí rất cao và dễ dẫn đến nguy cơ kháng thuốc.

Năm 2021, chương trình dự kiến sẽ tiếp tục triển khai sàng lọc chủ động khoảng 15.000 người thuộc 9 quận/huyện, 1 cơ sở cai nghiện và Trung tâm Bảo trợ xã hội TP Cần Thơ.




Quỳnh Chi Theo Sở Y Tế TPCT

  In bài viết



User Online

Số người online: 146
Số người online Online Now:

tin nổi bật


Tìm kiếm tin tức

Đơn vị trực thuộc


SƠ đồ đường đi