► Xin ông cho biết, dịch bệnh COVID-19 ảnh hưởng thế nào đến công tác phát hiện, điều trị bệnh lao?
- Làn sóng dịch COVID-19 lần thứ 4, bùng phát từ tháng 4-2021, đã ảnh hưởng và làm gián đoạn chương trình chống lao của cả nước nói chung và TP Cần Thơ nói riêng. Nhiều cơ sở y tế chuyển đổi công năng điều trị COVID-19, nhân lực y tế tăng cường cho công tác chống dịch, người dân không biết đến đâu để chẩn đoán, điều trị lao... Trong năm 2021, tỷ lệ khám phát hiện bệnh lao ở Cần Thơ giảm 24%.
Từ khi thực hiện Nghị quyết 128/NQ-CP của Chính phủ, mọi hoạt động trở lại trạng thái bình thường mới, người dân tìm đến cơ sở y tế để khám bệnh. Hiện tỷ lệ người dân đến khám tại bệnh viện, cơ sở y tế khi có dấu hiệu nghi ngờ lao có tăng so với thời điểm cuối năm 2021. Tuy nhiên, so với các năm trước vẫn còn thấp. BV tiếp nhận nhiều bệnh nhân vừa bị lao, vừa bị COVID-19, hậu COVID-19. COVID-19 làm cho gánh nặng bệnh lao thêm trầm trọng hơn, phổi của bệnh nhân bị tấn công 2 lần.
►Hệ thống phòng, chống lao cần làm gì để tăng cường phát hiện lao, điều trị sớm bệnh lao cho người dân?
- Chủ động phát hiện bệnh lao là công tác quan trọng nhất. Trước hết, phát hiện bệnh lao ở cơ sở y tế. Khi người dân đến khám bệnh tại phòng khám nội tiết, đái tháo đường, cao huyết áp và các bệnh lý mãn tính được tầm soát lao bằng X-quang, xét nghiệm. Dự án sẽ hỗ trợ để tầm soát miễn phí. Ngoài ra, người có dấu hiệu nghi lao như ho, sốt kéo dài, khó thở... sẽ được khám, tầm soát lao bằng X-quang, xét nghiệm bằng Gene Xpert.
Tại cộng đồng, BV Lao và Bệnh phổi TP Cần Thơ sẽ tổ chức khám, sàng lọc, phát hiện sớm bệnh lao cho người có tiếp xúc với người đã mắc lao (mốc thời gian 2 năm - PV), người đang điều trị lao với chiến lược 2X (chụp X-quang phổi, nếu có tổn thương phổi thì tiến hành làm Gene Xpert). Thực hiện chương trình này, từ đầu năm 2022 đến ngày 15-3-2022, BV đã đưa nhân viên y tế, cùng với xe X-quang kỹ thuật số lưu động, Gene Xpert khám, sàng lọc bệnh lao ở quận Ninh Kiều, quận Ô Môn, Trường Dạy trẻ khuyết tật TP Cần Thơ, Trường Tương Lai, Cơ sở Cai nghiện ma túy, Trung tâm Bảo trợ xã hội cho 4.137 người. Qua đó phát hiện 33 ca lao, trong đó có 3 ca lao kháng thuốc. Các ca bệnh này đã được tư vấn, điều trị. Từ nay đến hết tháng 6-2022, hoạt động này sẽ tiếp tục thực hiện ở các quận, huyện còn lại.
► Thưa ông, người dân khi có triệu chứng gì thì nên đến cơ sở y tế để được tầm soát, phát hiện bệnh lao?
- Người dân khi có dấu hiệu ho, sốt kéo dài trên 2 tuần mà không đáp ứng với thuốc ho thông thường thì nên đến cơ sở y tế để được khám, chẩn đoán và điều trị sớm. Hiện nay, các dự án đang hỗ trợ bệnh nhân lao điều trị miễn phí.
Thực tế thời gian qua, có nhiều bệnh nhân khi có các triệu chứng ho, sốt, đến tiệm thuốc tây mua thuốc uống. Khi bệnh không giảm thì chuyển sang mua tiệm khác hoặc tìm đến phòng mạch tư. Ðiều này gián tiếp làm tăng tình trạng kháng kháng sinh, kháng thuốc điều trị lao. Bệnh lao đang được điều trị miễn phí. Trong khi bệnh lao điều trị kéo dài 6 tháng, lao kháng thuốc 8 tháng, rất tốn kém, vì thế khi có dấu hiệu nghi ngờ bệnh lao, người dân nên đến các cơ sở y tế điều trị bệnh lao để được tư vấn, điều trị; tránh nguy cơ kháng thuốc và nguy cơ lây lan bệnh cho người thân, cho cộng đồng.
►Hiện nay, bệnh lao được khám phát hiện, chẩn đoán, thuốc điều trị miễn phí từ các dự án. Song, từ ngày 1-7-2022, sẽ chuyển sang cho bảo hiểm y tế chi trả. Vậy, hệ thống phòng, chống lao đã có bước chuẩn bị như thế nào?
- Cũng như điều trị HIV, hiện nay công tác chẩn đoán, điều trị lao miễn phí, do các dự án nước ngoài hỗ trợ. Từ ngày 1-7-2022, công tác này sẽ do quỹ bảo hiểm y tế (BHYT) chi trả. Người bệnh đồng chi trả với BHYT từ 0-20%.
Với vai trò quản lý, chỉ đạo về chuyên môn nghiệp vụ về lĩnh vực lao và bệnh phổi tại cộng đồng, BV đang kiện toàn mạng lưới chống lao ở tuyến quận, huyện. Hiện ở các quận, huyện có 3 mô hình: Trung tâm y tế (TTYT) 1 chức năng (chỉ làm dự phòng), TTYT 2 chức năng (vừa dự phòng, vừa điều trị), BV Quân dân Y. Với 3 mô hình này thì TTYT 2 chức năng thuận lợi, còn lại với các quận, huyện có TTYT 1 chức năng và BV thì khó khăn. Do TTYT được trang bị thiết bị chẩn đoán lao thì khó tiếp cận được người có dấu hiệu nghi lao, không có chức năng khám bệnh nên không ký hợp đồng với BHYT. Nơi có ký hợp đồng với BHYT như BV thì lại không có thiết bị. Chính vì thế, qua làm việc với các đơn vị, BV đã tham mưu với Sở Y tế chuyển thiết bị chẩn đoán lao ở các đơn vị dự phòng về cho các BV để chẩn đoán, điều trị cho bệnh nhân, còn các TTYT dự phòng làm công tác quản lý, cấp thuốc, theo dõi sau điều trị.
► Xin cảm ơn bác sĩ!
Theo Giám đốc BV Trần Mạnh Hồng, khó khăn nhất của BV là thiếu bác sĩ đa khoa. BV tạo mọi điều kiện học tập, nâng cao trình độ, hỗ trợ kinh phí... để thu hút bác sĩ nhưng rất khó khăn. Một trong những lý do khó thu hút bác sĩ là vẫn còn sự kỳ thị với bệnh lao, bệnh nhân lao. Nhân viên y tế công tác ở BV Lao và Bệnh phổi TP Cần Thơ thường bị người dân, thậm chí một số nhân viên y tế kỳ thị. Chính vì thế, để hỗ trợ BV thu hút nhân lực, toàn thể cán bộ, nhân viên BV Lao và Bệnh phổi TP Cần Thơ rất mong được đổi tên thành BV Phổi TP Cần Thơ. Hiện nay, chỉ riêng khu vực ÐBSCL đã có 4 tỉnh: Long An, Ðồng Tháp, Vĩnh Long và Hậu Giang đổi tên là BV Phổi.
H.HOA (thực hiện)