Đồng hồ trên bàn hộ lý tiếp nhận cấp cứu chỉ số 9h45, sáng thứ bảy 4/7. Bệnh nhân đã ngừng tuần hoàn, máu từ âm đạo chảy ào ạt mặc dù chị đã được đóng bỉm, toàn thân đầy máu. Người nữ y tá bế bệnh nhận vào phòng đặt lên bàn cấp cứu, đôi tay trần của cô đẫm đầy máu. Cô cùng kíp trực hơn 10 người lao vào hồi sức cho bệnh nhân. Nhân viên trực chỉ kịp ghi nhận thông tin bệnh nhân cùng con trai 11 tuổi từ Quảng Ninh lên Hà Nội thăm người thân, đến bến xe thì bị xuất huyết liên tục. Nhà xe đã dùng giấy vệ sinh lót cho chị rồi đưa vào Bệnh viện phụ sản Hà Nội.
Ê kíp trực xác định, bệnh nhân băng huyết nặng, xuất huyết âm đạo, máu phun thành vòi bắn cả vào quần áo các y bác sĩ và máy móc đang cấp cứu cho chị. Không ai kịp nghĩ đến việc phải mang găng đeo khẩu trang. Kíp trực dùng máy ép tim để kích hô hấp cho bệnh nhân. Y tá cố lấy ven cho chị nhưng ven xẹp, phải chích đi chích lại nhiều lần mà không được. Nhân viên trực cấp cứu quyết định nhấc máy gọi điện thoại cho bác sĩ Lưu Quốc Khải, Trưởng Khoa Đẻ 2: "Có bệnh nhân băng huyết nặng, ngưng tim, anh vào viện ngay", rồi dập máy luôn và quay sang hỗ trợ cấp cứu.
Bác sĩ Khải lúc đấy đang trên đường đưa con đi học ở Cầu Giấy, chỉ kịp thả con trước cổng trường và nhờ anh hàng xóm đưa bé vào lớp, còn mình lập tức quay xe phóng đến bệnh viện. Bước vào phòng cấp cứu, chứng kiến cảnh máu văng vấy khắp nơi, bệnh nhân máu không có khả năng đông, vị bác sĩ dạn dày kinh nghiệm tiên lượng bệnh cảnh quá nặng, khả năng sống thấp. Ông yêu cầu kíp trực tiếp tục hồi sức, nếu thấy còn có dấu hiệu sự sống sẽ mổ ngay tại chỗ vì nếu di chuyển là người bệnh chết ngay.
|
Bệnh nhân hồi phục tốt sau ca mổ, đã xuất viện hôm 8/7.Ảnh: Hà An.
|
Sau 30 phút bệnh nhân nhập viện, lệnh báo động đỏ được đưa ra, bệnh viện huy động nhân viên các phòng tham gia ca mổ cấp cứu. Vì phòng cấp cứu không có đủ dụng cụ mổ, các nhân viên y tế từ các phòng phải khuân vác máy móc xuống. Nữ hộ lý Thanh đang mang thai 13 tuần chạy tới lui từ phòng dụng cụ đến phòng cấp cứu và ngược lại để mang dụng cụ mổ đến chuẩn bị ca phẫu thuật. Những bóng áo trắng, áo xanh hối hả sắp xếp đồ đạc. Bác sĩ Hoan chịu trách nhiệm hồi sức cho bệnh nhân để giúp chị thở trở lại. Anh không kịp mang găng đeo khẩu trang, bắt tay vào việc.
Vài phút sau, tim bệnh nhân đập trở lại. Lập tức bác sĩ Khải trong trang phục bảo hộ phẫu thuật cùng bác sĩ trưởng kíp trực mổ cắt tử cung bệnh nhân để cầm máu. Xung quanh họ, các y bác sĩ phụ trách gây mê, truyền máu, hồi sức và những hộ lý vẫn tiếp tục làm công việc của mình. Nhiều người trong số họ không kịp đeo găng, tay trần chạm vào ống hút và áo mổ đầy máu. Bệnh nhân gần như chảy không còn máu nên các y bác sĩ cứ vừa mổ vừa truyền 4 lít hồng cầu và 2 lít chế phẩm máu.
Ca mổ sắp kết thúc, đột ngột, nhân viên phòng xét nghiệm xuất hiện cầm trên tay kết quả xét nghiệm máu của bệnh nhân. Anh đứng lặng một hồi lâu, rồi nhỏ giọng thông báo: Bệnh nhân dương tính với virus HIV. Tất cả mọi người có mặt tại phòng cấp cứu lặng người đi, còn ê kíp mổ đang thoăn thoắt thao tác phẫu thuật trên cơ thể bệnh nhân cũng sững sờ. Vài giây im lặng thoáng qua, kíp mổ lại nhịp nhàng các thao tác phẫu thuật như bình thường. Họ động viên nhau: "Mọi người bình tĩnh, lúc này mà ai cũng ngưng mổ để đi tìm cách bảo vệ mình thì chắc chắn bệnh nhân sẽ chết". Một số nhân viên y tế không tham gia mổ và đang đứng vòng ngoài hỗ trợ lúc này mới đeo khẩu trang, mang găng tay. Hộ lý Thanh nhìn xuống đôi tay mình đầy những vệt máu, liền đi rửa và lấy găng tay đeo. Nhiều người khác làm theo cô.
Ca mổ chưa xong, Tiến sĩ Nguyễn Mạnh Trí, Phó giám đốc bệnh viện đã nhận tin. Ông ngay lập tức đến phòng cấp cứu để động viên tinh thần kíp mổ. 30 y bác sĩ tham gia ca cấp cứu vì có tiếp xúc với máu và dịch của bệnh nhân nên có nguy cơ phơi nhiễm HIV, trong đó 19 người gồm 18 y bác sĩ bệnh viện và một học viên đã bị phơi nhiễm vì dính máu trực tiếp. Ca mổ kết thúc, bệnh nhân ổn định sức khỏe, nhưng người tham gia ca cấp cứu vẫn tiếp tục động viên nhau: "Tất cả sẽ ổn thôi", bởi họ chỉ thực sự biết được có nhiễm HIV không sau 3-6 tháng nữa.
Ngay chiều hôm ấy, tất cả những người trong kíp mổ đều được uống thuốc dự phòng. Nữ hộ lý Thanh mang bầu còn phải chịu nhiều tác dụng phụ của thuốc dự phòng hơn những người khác: Chị mệt mỏi, choáng sau khi uống thuốc, tâm lý lo lắng cho con vì sợ ảnh hưởng thai nhi. Hiện tinh thần của chị đã khá hơn, đã đi làm bình thường. "Mọi việc đều ổn", chị chia sẻ. Lúc hỗ trợ cấp cứu, hộ lý Thanh không kịp mang găng tay và tay trần tiếp xúc với dụng cụ mổ dính máu.
19 nhân viên y tế đã được xét nghiệm, lập hồ sơ theo dõi, uống thuốc dự phòng ARV và sẽ được xét nghiệm lại sau 3-6 tháng nữa. Theo Tiến sĩ Hoàng Đình Cảnh, Phó Cục trưởng Cục phòng chống HIV/AIDS, hàng năm ở nước ta có hàng nghìn cán bộ y tế, công an bị phơi nhiễm HIV, song đây là lần đầu tiên có số người phơi nhiễm đông nhất. Ông đánh giá nguy cơ nhiễm HIV của 19 cán bộ y tế rất thấp, vì bệnh nhân có điều trị ARV tại địa phương và các y bác sĩ Bệnh viện phụ sản Hà Nội đã được uống thuốc dự phòng rất sớm.
Chiều 9/7, 19 nhân viên y tế phơi nhiễm HIV đã được Giám đốc Sở Y tế Hà Nội khen thưởng nóng. Bệnh nhân đã khỏe lại và xuất hiện hôm 8/7.
Bệnh nhân lây HIV từ người chồng của mình, khi con trai chị mới 6 tháng tuổi. Chồng chị sau đó đã mất vì tai nạn giao thông. Ngày 4/7 chị cùng con trai lên Hà Nội để thăm phía ngoại, đến bến xe thì bị xuất huyết âm đạo dữ dội. Chị được nhà xe sơ cứu, báo người nhà và đưa đến Bệnh viện phụ sản Hà Nội cấp cứu trong tình trạng nguy kịch, ngưng tim. Các y bác sĩ không biết bệnh nhân nhiễm HIV, trong tình thế khẩn cấp đã nỗ lực cấp cứu giành mạng sống cho người bệnh mà không kịp dùng trang phục bảo hộ. Kết quả là 18 y bác sĩ cùng một học viên đã phơi nhiễm HIV. Những người tham gia cấp cứu còn lại có nguy cơ phơi nhiễm. |
* Bài ghi theo trần thuật của y bác sĩ tham gia ca cấp cứu. Tên một số nhân viên y tế đã được đổi hoặc không nêu tên theo yêu cầu.