TIN TỨC BỆNH VIỆN

Hưởng ứng ngày Thế giới phòng chống Lao năm 2024: Chủ động tầm soát bệnh lao tại cộng đồng
[ Cập nhật vào ngày (25/03/2024) ]

Theo Tổ chức Y tế Thế giới, số bệnh nhân lao mới được phát hiện và báo cáo năm 2022 trên toàn cầu là 7,5 triệu người. Số ca tử vong do bệnh lao là khoảng 1,3 triệu trường hợp. Tại Việt Nam, mỗi năm ghi nhận khoảng 11.000 người tử vong vì bệnh lao; đứng thứ 11 trong 30 quốc gia có gánh nặng bệnh lao và lao đa kháng thuốc cao. Vì vậy, việc chủ động tầm soát để sớm phát hiện bệnh lao tại cộng đồng là giải pháp quan trọng nhằm giảm bớt gánh nặng cho người bệnh và xã hội.


Bệnh lao là một bệnh truyền nhiễm do vi khuẩn lao gây nên. Bệnh lây qua đường không khí do hít phải các hạt bụi nhỏ có chứa vi khuẩn lao được sinh ra khi người mắc lao phổi trong giai đoạn tiến triển ho, khạc, hắt hơi. Những năm qua, thực hiện Chương trình phòng, chống lao, BV Lao và Bệnh phổi TP Cần Thơ phối hợp với các đơn vị liên quan, Trung tâm Y tế quận/huyện, Trạm y tế xã, phường, thị trấn thực hiện công tác tuyên truyền phòng chống lao đến với người dân.

TAM SOAT LAO CONG DONG - 0002.jpg

Các mẫu đàm trong các đợt tầm soát lao tại cộng đồng sẽ đem về BV Lao và Bệnh phổi làm xét nghiệm Xpert để chẩn đoán khẳng định bệnh nhân lao.

Bà Nguyễn Phạm Cẩm Tú, Phó trưởng phòng Chỉ đạo tuyến, BV Lao và Bệnh phổi TP Cần Thơ cho biết, tầm soát bệnh lao chủ động tại cộng đồng giúp y, bác sĩ tiếp cận được với người dân vùng sâu, vùng xa; đưa những kỹ thuật hiện đại trong công tác phát hiện bệnh lao đến gần với người dân; phát hiện bệnh lao ở giai đoạn sớm góp phần tăng tỷ lệ phát hiện bệnh nhân lao và quản lý điều trị, giảm nguồn lây tại cộng đồng. Năm 2023, BV Lao và Bệnh phổi đã tổ chức 8 đợt sàng lọc lao chủ động tại cộng đồng với tổng số ngày sàng lọc là 86 ngày. Kết quả, có 16.736 người bệnh được khám sàng lọc, phát hiện 203 ca lao các thể. Thu dung và điều trị trên 95%.

Trước khi tổ chức đợt sàng lọc lao chủ động tại cộng đồng, cán bộ chương trình lao phối hợp cùng địa phương tuyên truyền cho người dân về Chương trình phòng, chống bệnh lao của thành phố; các biểu hiện nhận biết mắc bệnh lao; mức độ nguy hiểm và những ảnh hưởng đến sức khỏe khi mắc bệnh lao; các biện pháp phòng bệnh... góp phần giúp người dân có thêm kiến thức, thực hiện tốt việc phòng ngừa bệnh lao. Đặc biệt, tăng cường tuyên truyền và chủ động mời các đối tượng có nguy cơ mắc bệnh lao cao như: người có bệnh lý nền, tiểu đường, ung thư, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, những người sử dụng thuốc ức chế miễn dịch kéo dài, làm việc trong môi trường bụi phổi... Khi đến địa điểm khám tầm soát lao chủ động, người dân được chụp X-quang miễn phí, nếu X-quang có bất thường, thu thập mẫu đàm, đem về BV Lao và Bệnh phổi làm xét nghiệm Xpert để chẩn đoán khẳng định bệnh nhân lao.

Sau khi có kết quả, BV Lao và Bệnh phổi gửi kết quả về Trung tâm Y tế quận/huyện nơi mà người dân sinh sống, cán bộ y tế liên hệ người dân đến cơ sở y tế nhận kết quả và được tư vấn điều trị. Hiện nay, bệnh nhân lao được nhận thuốc từ nguồn BHYT là chủ yếu. Ngoài ra, vẫn còn một cơ số thuốc điều trị cho bệnh nhân không có BHYT. Vì vậy, cho đến nay, bệnh nhân lao được nhận thuốc điều trị lao hoàn toàn miễn phí. Người bệnh lao nhạy cảm, lao tiềm ẩn có thể nhận thuốc từ Trung tâm Y tế hoặc Trạm Y tế.

Năm 2024, BV Lao và Bệnh phổi TP Cần Thơ xây dựng kế hoạch và tổ chức tầm soát lao chủ động tại những khu tập trung như: Cơ sở Cai nghiện ma túy, Trung tâm Bảo trợ xã hội, Trung tâm Nuôi dưỡng người già và trẻ em không nơi nương tựa... Đồng thời, tiếp tục sàng lọc lao chủ động các các địa phương có dịch tễ lao cao như quận Ninh Kiều và quận Cái Răng. Tăng cường phát hiện bệnh nhân lao để thanh toán bệnh lao vào năm 2035.

Bà Nguyễn Phạm Cẩm Tú, Phó trưởng phòng Chỉ đạo tuyến, BV Lao và Bệnh phổi TP Cần Thơ cũng cho biết thêm, trong thực tế, diễn biến và các biểu hiện của bệnh lao rất khó nhận biết, vì vậy, nhiều người khi đến cơ sở y tế xét nghiệm thì mới phát hiện mình bị mắc bệnh lao. Có nhiều trường hợp người dân ở địa bàn lân cận, tình cờ đến khám tầm soát lao tại cộng đồng, BV Lao và Bệnh phổi khó thực hiện theo dõi điều trị của bệnh nhân. Một trong những khó khăn trong công tác phát hiện, điều trị và quản lý bệnh lao trên địa bàn hiện nay là người bệnh còn tâm lý e ngại, đến cơ sở y tế điều trị trễ; vấn đề kỳ thị đối với người mắc lao tại cộng đồng vẫn còn. Sau COVID-19, nhiều người thấy bản thân lói ngực, ho, thì chỉ nghĩ đến hậu COVID-19, tự mua thuốc uống chứ không nghĩ đến trường hợp mắc lao. 

Các bác sĩ khuyến cáo, những người mắc bệnh lao thường có các biểu hiện: Ho kéo dài trên 2 tuần, có thể ho khan, ho có đờm hoặc ho ra máu. Ngoài ra, còn có các biểu hiện như: gầy sút, kém ăn, mệt mỏi; sốt nhẹ về chiều, ra mồ hôi đêm; đau ngực, đôi khi khó thở. Khi có các biểu hiện nghi ngờ mắc lao, người bệnh cần đến ngay các cơ sở y tế gần nhất hoặc bệnh viện chuyên khoa để được chẩn đoán sớm và điều trị kịp thời. Nếu bị mắc lao, người bệnh sẽ được điều trị theo phác đồ, có sự giám sát chặt chẽ của bác sĩ. Người dân tuyệt đối không tự ý dùng thuốc, hoặc chữa thuốc nam, hay chữa trị tại phòng khám tư nhân.

 Ngày Thế giới phòng, chống lao 24/3/2024 với chủ đề “Đúng! Chúng ta có thể chấm dứt bệnh lao”

Ngày Thế giới phòng chống lao 24/3 hàng năm là một hoạt động quan trọng nhằm tuyên truyền thúc đẩy sự tham gia của cả hệ thống chính trị và của toàn dân nhằm thực hiện thành công các mục tiêu chủa Chiến lược quốc gia phòng chống bệnh lao Việt Nam và mục tiêu cơ bản chấm dứt bệnh lao vào năm 2035.

Để phòng chống bệnh lao, người dân cần lưu ý:

- Tiêm phòng vắc xin BCG ngừa bệnh lao cho trẻ sơ sinh;

- Khi bị ho kéo dài hơn 02 tuần, cần đi khám, xét nghiệm đờm, chụp X-quang phổi để phát hiện bệnh lao;

- Người bị bệnh lao phải điều trị càng sớm càng tốt, tránh lây lan cho những người trong gia đình và người xung quanh. Bệnh nhân lao không được khạc nhổ bừa bãi, ngủ giường riêng và dùng riêng chén, đũa, tốt nhất đeo khẩu trang liên tục trong 02 tháng đầu điều trị; cần phơi mền, chiếu, nệm, đồ vật sử dụng ra nắng mỗi ngày;

- Giữ vệ sinh môi trường, nhà ở thông thoáng, rèn luyện nâng cao sức khoẻ, đảm bảo dinh dưỡng hợp lý;

Phát hiện sớm người mắc bệnh lao, điều trị kịp thời và đúng phác đồ để không còn khả năng lây bệnh cho người khác.




Minh Anh Theo www.soytecantho.vn

  In bài viết



User Online

Số người online: 256
Số người online Online Now:

Hiển thị tin nổi bật


Đơn vị trực thuộc

SƠ đồ đường đi