Đây là việc làm cần thiết, hướng tới sự công bằng cho y bác sĩ trong bối cảnh giá cả tiêu dùng leo thang, mức phụ cấp theo quy định cũ đã trở nên lạc hậu.
Có nhiều lý do để chờ đợi dự thảo thông qua, sớm ngày nào hay ngày đó.
Thứ nhất, ngành y là nơi tập trung những người có trình độ và năng lực học tập tốt nhất của xã hội. Gần như năm nào, các khoa y cũng lấy điểm tuyển sinh đầu vào thuộc loại cao nhất.
Thời gian đầu tư cho nghề y cũng dài nhất, gấp đôi, gấp ba nhiều ngành nghề khác, đặc biệt là với các chuyên khoa sâu. Sau sáu năm đại học, các bác sĩ sẽ mất 2-3 năm nữa học nội trú, chuyên khoa I, chuyên khoa II; thêm vài năm nữa mới có chứng chỉ hành nghề. Đó là chưa kể đến các kỳ đào tạo, bổ túc kiến thức và tay nghề hàng năm. Bác sĩ phải học tập suốt đời.
Thứ ba là tính chất đặc biệt của loại công việc liên quan đến sức khỏe và tính mạng con người - vốn quý nhất của mỗi gia đình, xã hội.
Những lý do này không phải đặc thù của Việt Nam. Và quốc gia nào cũng vậy, đều trọng dụng và đãi ngộ người giỏi với kỳ vọng họ sẽ đem lại lợi ích gấp bội cho đa số còn lại trong cộng đồng. Vì thế, ở nhiều nước, lương khởi điểm của bác sĩ thường rất cao, bên cạnh một số nghề khác như luật sư, kỹ sư công nghệ...
Bác sĩ thu nhập cao là chuyện bình thường, thuận theo sự vận hành tự nhiên ở mọi xã hội.
Tại Việt Nam, năm 2005, Bộ Chính trị ban hành một nghị quyết rất quan trọng - Nghị quyết 46 về bảo vệ chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân trong tình hình mới. Nghề y được xác định "là một nghề đặc biệt, cần được tuyển chọn, đào tạo, sử dụng và đãi ngộ đặc biệt". Nhưng sau gần 20 năm, chúng ta vẫn chưa thể đảm bảo sự công bằng cho nghề y, chưa nói đến "đãi ngộ đặc biệt".
Tôi sẽ nói rõ hơn về sự công bằng. Trước khi cải cách tiền lương (áp dụng từ 1/7/2024), công chức hưởng lương khởi điểm như nhau. Nếu một người chỉ học bốn năm, thì sau 4-5 năm ra trường, anh ta đã có thể tăng hai bậc lương. Trong cùng thời gian đó, "bác sĩ tương lai" vẫn đang học. Tức là, vào thời điểm một bác sĩ vừa ra trường, nhận lương khởi điểm, thì một công chức cùng trang lứa ở ngạch khác có thể đã lên hai bậc lương.
Thực tế đó là một trong những nguồn động lực khiến chúng tôi kiên trì tham mưu để Chính phủ ban hành Quyết định 73, quy định một số chế độ phụ cấp đặc thù đối với công chức, viên chức, người lao động trong các cơ sở y tế công lập và chế độ phụ cấp chống dịch. Phiên trực 24 giờ, nhân viên y tế nhận được 115 nghìn đồng; mỗi ca phẫu thuật, bác sĩ mổ chính nhận 280 nghìn - mức dành cho các bệnh viện hạng cao nhất, vào năm 2011. Phụ cấp là một trong ba thành tố cấu thành thu nhập của công chức (bên cạnh lương cơ bản và thưởng).
Quyết định được ban hành, tôi xuống tỉnh, xuống huyện, thấy đồng nghiệp phấn khởi lắm, chia sẻ rằng mức phụ cấp không phải là lớn nhưng có ý nghĩa động viên về mặt tinh thần.
Nhưng mức phụ cấp này giữ nguyên suốt 13 năm qua, trong khi mức lương cơ sở đã được điều chỉnh thêm 8 lần.
Nhìn sâu hơn vào ngành, tôi rất thương và chia sẻ với những vất vả của đồng nghiệp. Tôi cũng tốt nghiệp y khoa, từ nhân viên đi lên, nên có điều kiện thấu hiểu môi trường này.
Năm 1976, vừa bước chân vào Đại học Y Hà Nội, tôi đã nghe các anh chị khóa trên đùa "Khổ thay con gái trường Y/ 36 cửa ải còn gì là xuân". Chúng tôi sáng thực hành ở bệnh viện, chiều học lý thuyết, tối học bài, mỗi tuần trực một đêm, nên không có thời gian đi chơi, lúc nào cũng nơm nớp lo "cày bài".
Ra trường đi làm, tôi thấm thía hơn nữa nỗi nhọc nhằn của nhân viên y tế.
Sau ca trực 24 giờ, nhân viên nữ mắt mũi thâm quầng, bơ phờ, còn nam giới râu ria mọc dài ra thấy rõ. Khó nhọc không chỉ bởi mất ngủ, mà còn bởi áp lực đối mặt với những căng thẳng liên tục: người nhà khóc lóc, bệnh nhân kêu ca, đứng giữa sự sống và cái chết; môi trường ồn ào, ngột ngạt, bắt buộc tiếp xúc gần với máu, chất nôn, chất thải...
Phụ cấp mổ hay tiền trực, trong bối cảnh giá cả leo thang, chỉ mang ý nghĩa tượng trưng chứ không bù đắp nổi công sức của y bác sĩ. Trong một nghiên cứu cuối năm 2021, Hội Thầy thuốc trẻ Việt Nam từng đánh giá tiền lương nhân viên ngành y đang ở mức thấp, trung bình 7,36 triệu đồng.
Đến đây, có một câu hỏi nhiều người vẫn đặt ra: căng thẳng, áp lực, thu nhập thấp, tại sao người ta vẫn đua nhau vào trường y?
Có ba lý do khiến nghề y hấp dẫn đặc biệt.
Thứ nhất là cơ hội cứu người - đánh thức khát vọng được làm những điều tốt đẹp. Thứ hai, đây là loại công việc mang lại kết quả ngay, mà không phải đợi lâu như những ngành nghề khác. Nhìn thấy tiến triển của bệnh nhân sau một xét nghiệm, chứng kiến mạng người được cứu sống sau ca mổ... là những điều mang đến cảm giác thăng hoa trong công việc. Y học là ngành khoa học khó và thú vị - tập hợp kiến thức của nhiều khoa học khác - tạo nên hấp lực với những người đam mê khám phá.
Lý do thứ ba là y tế Việt Nam đạt những thành tựu được quốc tế đánh giá cao trong điều kiện một nước thu nhập trung bình, từ y tế dự phòng, cho tới làm chủ các kỹ thuật chuyên sâu như ghép tạng...
Cũng như tôi, phần lớn người dân hẳn sẽ mong mỏi bác sĩ được trả công tốt hơn. Bài toán khó ở đây là ngân sách hạn chế, lấy tiền đâu mà tăng lương, thưởng, phụ cấp?
Giải pháp khó tránh khỏi là điều chỉnh giá dịch vụ y tế. Không thể bấu mãi vào ngân sách, phải có cơ chế tăng nguồn thu cho ngành y để bệnh viện có tiền chi trả. Nếu vẫn theo giá cũ, nguồn thu đầu vào của ngành y vẫn vậy, sẽ không có đủ tiền để thực hiện tăng lương cơ bản, tăng phụ cấp như chính sách đề ra.
Vì vậy, chính sách đảm bảo thu nhập cho y bác sĩ cần phải triển khai kèm theo việc điều chỉnh giá dịch vụ y tế theo hướng tính đúng tính đủ, với mục tiêu đổi mới mạnh mẽ tài chính y tế theo tinh thần Nghị quyết 20-NQ/TW/2022. Hiện giá dịch vụ y tế mới tính 4/7 yếu tố cấu thành: Thuốc, vật tư; điện, nước; bảo trì thiết bị; lương, phụ cấp. Nếu tính đủ 7 yếu tố sẽ còn bao gồm các chi phí: sửa chữa lớn tài sản cố định; khấu hao tài sản; chi phí đào tạo, nghiên cứu khoa học.
Năm 2012, lãnh đạo Bộ Y tế từng đối mặt với áp lực rất lớn khi ban hành Thông tư 04 về mức tối đa khung giá một số dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh. Hàng trăm dịch vụ y tế được điều chỉnh tăng. Dư luận phản ứng, báo chí phản biện khiến chính phủ ngần ngại. Nhưng chúng tôi kiên định thuyết phục.
Kết quả, Thông tư này đã làm thay đổi cơ bản chất lượng dịch vụ y tế. Bảo hiểm có khả năng trang trải nhiều hơn, người dân giảm chi tiền túi và được hưởng dịch vụ tốt hơn; bệnh viện lắp được quạt, máy lạnh ở phòng tiếp đón; nhân viên y tế có đồng phục đàng hoàng hơn, chất liệu tốt hơn... Thái độ cung cách phục vụ của bác sĩ và bệnh viện cũng thay đổi, nạn phong bì giảm dần.
Vào những thời điểm rất khó khăn của ngành y, tôi từng "nói cứng" với anh em: Đã dấn thân vào ngành này là phải chịu thiệt thòi, nếu cảm thấy không phù hợp nữa thì ra đi. Nhưng khi xã hội đã phát triển, thu nhập bình quân đầu người đã cải thiện, không thể để nhân viên y tế chịu khó chịu khổ mãi được.
Thu nhập tương xứng sẽ tạo động lực cống hiến và đốt cháy mình cho công việc cứu người, sáng tạo, phát minh về y học, tạo thành xung lực thúc đẩy nền y tế phát triển.
Đề xuất tăng mức tiền trực, phụ cấp cho nhân viên y tế là một tín hiệu đáng mừng nhằm trả lại công bằng cho những người đang đảm nhận loại công việc khó, đòi hỏi nỗ lực rất lớn và trách nhiệm rất cao trong việc chăm sóc sức khỏe cho người dân.